Keo 502 là chất kết dính đã không còn xa lạ với nhiều người. Tuy nhiên, có thể có những điều mà bạn chưa biết về loại keo khá phổ biến này, chẳng hạn: Thành phần, cách để xử lý khi bị dính ra tay…. Hãy cùng tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây.
1. Thành phần của keo 502
Bảng thành phần của keo 502 gồm những chất sau đây:
- Methylene Chloride: đây là một dạng dung môi hữu có, có mùi thơm ngọt nhưng lại chứa độc tố. Khi tiếp xúc với chất này trong thời gian dài với lượng lớn, người tiếp xúc sẽ bị ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng như ngộ độc (đau đầu, nôn ói, chóng mặt), thậm chí là mất trí nhớ, suy giảm thị lực…
- Ethyl Acetate: Đây cũng là một chất hóa học có mùi thanh ngọt. Chất này tồn tại ở dạng lỏng, cũng là một độc tố và có thể gây ra những hệ lụy nghiêm trọng về sức khỏe nếu người dùng tiếp xúc lâu mà không đeo đồ bảo hộ lao động như: đau đầu, cảm giác chóng mặt, nôn mửa, thậm chí nặng thì còn có thể gây mất dần ý thức.
- Toluene: Hay còn được gọi là Methylbenzen hoặc Phenyl Metane. Chất này khi xâm nhập vào đường hô hấp sẽ gây ra các tổn thương cho hệ thần kinh trung ương với các biểu hiện thông qua các triệu chứng như: đau đầu, chóng mặt, nôn mửa, buồn ngủ.
- Cyclohexane: cũng là một chất hóa học có độc tố mà nếu tiếp xúc lâu dài không đúng cách, người dùng sẽ bị ngộ độc với các biểu hiện tương tự lên cơn nghiện ma túy như: chân tay co giật, mắt mơ màng, mất kiểm soát hành vi, rơi vào hôn mê và thậm chí là tử vong.
Mặc dù thành phần tạo nên keo 502 đều là các hóa chất độc hại. Tuy nhiên không phải vì thế mà chúng ta bài xích, loại bỏ loại keo này bởi công dụng của nó là rất lớn đối với đời sống con người. Điều quan trọng là khi tiếp xúc với keo, đặc biệt là khi làm việc với keo 502 trong thời gian dài, chúng ta cần tuân thủ sử dụng các dụng cụ bảo hộ lao động theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất, làm việc nơi thoáng khí.
2. Cách sử dụng keo 502 hiệu quả
Đặc tính của keo 502 là khô cực nhanh, chỉ sau khoảng vài giây khi tiếp xúc với không khí bên ngoài. Chính vì vậy để sử dụng keo 502 hiệu quả thì bạn cần lưu ý một số điều như sau:
- Nên căn chỉnh chính xác 2 bề mặt cần dính với nhau, sau đó mới tra keo vào để đảm bảo tính chính xác bởi một khi keo đã được nhỏ vào thì sẽ khô ngay và rất chắc chắn, việc tháo ra dán lại sẽ làm ảnh hưởng tới tính thẩm mỹ của vị trí được dán keo, thậm chí là làm rách sản phẩm.
- Sử dụng vòi lấy keo đã được nhà sản xuất trang bị sẵn để lấy keo, bóp ống keo với một lực vừa phải, thích hợp để lấy được lượng keo phù hợp.
- Chỉ nên cho lượng keo phù hợp diện tích bề mặt cần dán bởi nếu quá ít hay quá nhiều đều sẽ không đảm bảo được hiệu quả kết dính, mặt khác còn có thể ảnh hưởng tới độ hoàn thiện, tính thẩm mỹ của sản phẩm.
- Để tăng cường độ bám dính, chúng ta nên mài nhẵn bề mặt cần được dán, hoặc thêm vào một chút mạt cưa tại các vị trí có khe hở.
3. Các cách xử lý khi bị keo 502 dính ra tay
Khi chẳng may bị keo 502 dính ra tay, ngay lập tức bạn sẽ cảm thấy bị nóng, nhưng đừng hoảng loạn, chỉ cần xử lý theo các cách dưới đây thì keo sẽ bong ra mà không làm tổn thương bề mặt da tay:
- Ngay khi keo vừa mới dính ra tay, hãy chà thật mạnh bằng vải ướt để keo bong ra. Cần biết rằng mặc dù keo 502 có tốc độ khô rất nhanh trên bề mặt vật liệu nhưng sẽ chậm hơn trên da tay người. Do vậy hãy bình tĩnh xử lý.
- Ngâm ngay tay vào nước lạnh, nhiệt độ thấp sẽ kìm hãm quá trình đông cứng của keo, sau đó hãy dùng bàn chải để chà cho keo bong ra.
- Ngâm tay vào nước pha xà phòng ấm: Ngâm tay vào chậu nước ấm có pha xà phòng trong khoảng 10 phút, keo sẽ dần nở và mềm ra để bạn dễ dàng tháo lớp keo dính trên tay.
ĐT